Với 70% thời gian đào tạo là thực hành nên sinh viên trường Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội đã có thể cọ xát thực tế, tích lũy kinh nghiệm ngay từ khi bước chân vào trường.
Chính bởi vậy, sau thời gian tốt nghiệp, hầu hết các em đều dễ dàng chọn được chuyên ngành yêu thích và nhiều cơ hội việc làm.
Mô hình đào tạo “khác biệt”
Mặc dù đã tìm hiểu rất kỹ trước khi chọn trường Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội nhưng khi vào trường, sinh viên Nguyễn Thị Thu Hiền (Chuyên ngành Chăm sóc sắc đẹp) vẫn rất bất ngờ với cách đào tạo “khác biệt” và mới lạ của nhà trường.
“Em cũng như rất nhiều các bạn trước khi vào trường vẫn tưởng tượng sẽ là giảng đường hàng chục sinh viên ngồi nghe giảng, thầy dạy trò chép. Đó là “khuôn mẫu” cũ mà các trường đại học, cao đẳng trước đây vẫn áp dụng. Thế nhưng, tại trường Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội, nhà trường không đào tạo theo cách “truyền thống” này, sinh viên không học quá nhiều lý thuyết. Em không nhớ chính xác nhưng khoảng 2-3 tháng sau khi vào trường là em đã được học thực hành và trải nghiệm thực tế”, Huyền chia sẻ.
Được biết, trường Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội áp dụng mô hình đào tạo 70% thực hành 30% lý thuyết. Khi giảng dạy theo mô hình này, sinh viên sẽ được làm thực tế nhiều hơn. Thậm chí, theo Thu Hiền có lúc “thực hành trước và tự rút ra lý thuyết, bài học kinh nghiệm cho mình. Đây là phương pháp đào tạo rất mới mẻ, giúp sinh viên học tới đâu biết tới đó, làm được ngay”.
Đào tạo theo mô hình chú trọng vào thực hành vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng trường Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội là một trong những ngôi trường tiên phong áp dụng rất thành công và mang tới cho xã hội nguồn nhân sự chất lượng, vững kiến thức và giỏi chuyên môn.
Còn nhớ vào năm 2016, Bộ LĐ,TB&XH đã đưa ra con số khiến tất cả đều giật mình. Theo đó, có 225.000 cử nhân, thạc sĩ ra trường thất nghiệp. Tại sao lại xảy ra tình trạng này khi hàng ngày, hàng giờ trên các website tìm kiếm việc làm, hàng trăm tin tuyển dụng vẫn được cập nhật liên tục? Đã có nhiều nguyên nhân được đưa ra nhưng nguyên nhân quan trọng nhất chính là phần lớn sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của công việc.
“Cái doanh nghiệp cần là kiến thức, là kĩ năng, là kinh nghiệm nhưng hầu hết sinh viên mới ra trường cầm tấm bằng trong tay với một “kho” lý thuyết mà hoàn toàn không có kỹ năng thực tế và kinh nghiệm trải nghiệm để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Thậm chí, nhiều chương trình đào tạo ở nhà trường còn xa rời và hoàn toàn không áp dụng được vào thực tiễn của xã hội”, ông Nguyễn Xuân Hiển, Trưởng phòng Truyền thông – Marketing (Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội) chia sẻ.
Giải được bài toán khó
Nhiều người bất ngờ khi nhiều sinh viên học những trường đại học khá danh tiếng chật vật tìm việc, chấp nhận làm những công việc trái chuyên môn như: xe ôm công nghệ hoặc những công việc bán thời gian khác… nhưng sinh viên trường cao đẳng, thậm chí trường nghề lại “đắt hàng”.
Lý giải về điều này, bà Trần Thị Mỹ Hằng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội cho biết: “Phương châm đào tạo của trường chúng tôi là chú trọng thực hành. Vì chương trình đào tạo hướng vào thực hành nên sinh viên sau khi tốt nghiệp rất giỏi tay nghề, am hiểu ứng dụng, ra trường làm được việc ngay. Nhờ đó, tỷ lệ sinh viên của nhà trường ra trường kiếm được việc làm rất cao”.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng là cầu nối để sinh viên được tiếp cận với doanh nghiệp. Các em có môi trường thực tế để thực hành và rất nhiều em sau đó được chính doanh nghiệp đó tuyển dụng.
Với việc nhận thức của đại đa số học sinh ngày nay đã thay đổi, cùng mô hình đào tạo hiệu quả, trong những năm qua, trường Việt Mỹ đã được rất nhiều học sinh lựa chọn theo học sau khi tốt nghiệp THPT. Đây cũng là xu hướng tất yếu của thời đại, điều đã được nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân chia sẻ: “Đại học không phải là con đường duy nhất, một người học trung cấp vẫn có thể trở thành doanh nhân, nhà khoa học. Tư duy coi học cao đẳng, trung cấp nghề kém hơn đại học nay đã lỗi thời. Không nên coi cao đẳng, trung cấp là nguyện vọng 3, nguyện vọng 4, mà nên coi đó là lựa chọn đúng đắn, quan trọng của thí sinh”.
Nguồn: VTV